Cái Nước (Huyện Cái Nước)
Huyện Cái Nước nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh Cà Mau, kết nối thành phố Cà Mau với các huyện phía Nam, thuộc vùng kinh tế nội địa của tỉnh (là huyện không tiếp giáp với bờ biển).
Diện tích tự nhiên của huyện 41.709 ha, bằng 7,83% diện tích tự nhiên của tỉnh Cà Mau, dân số thời điểm 1/4/2009 là 137.396 người (số liệu tổng điều tra dân số, nhà ở), chiếm 11,35% dân số của tỉnh. Cái Nước có vườn chim Chà Là nổi tiếng, khu di tích căn cứ tỉnh ủy Lung Lá Nhà Thể, đặc biệt là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị trấn Cái Nước được công nhận là di tích cấp tỉnh của Cà Mau. Cũng giống như các địa phương khác trên bán đảo Cà Mau, địa hình của huyện là vùng đồng bằng, do đó kinh tế chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm sú và tôm càng xanh, bên cạnh đó rất nhiều hộ dân nuôi cá chính và cá bống tượng cũng đạt hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Cái Nước giáp các huyện Đầm Dơi và Năm Căn về phía Đông và phía Nam (được chia ranh giới với hai huyện này bằng sông Bảy Háp, giáp thành phố Cà Mau về phía Đông Bắc, giáp huyện Trần Văn Thời về phía Tây Bắc và giáp huyện Phú Tân về phía Tây.
Lợi thế về vị trí địa lý kinh tế nổi bật của huyện Cái Nước là huyện có vị trí trung tâm, nằm trên 2 trục giao thông chính của tỉnh Cà Mau (tuyến quốc lộ 1A Cà Mau – Năm Căn dài nhất tỉnh, tuyến đường liên huyện Vàm Đình – Cái Nước – Đầm Dơi). Vì vậy có điều kiện phát triển nhanh, nhất là về dịch vụ. Trong đó, trục giao thông Bắc – Nam là tuyến Quốc lộ 1A chạy từ Thành phố Cà Mau đến thị trấn Năm Căn (1 đoạn của tuyến đường Hồ Chí Minh và đây cũng là tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng kinh tế MêKông mở rộng (Hà Tiên – Cà Mau – Năm Căn). Các cầu trên tuyến đường này đã được đầu tư xây dựng (cầu Đầm Cùng cũng sẽ hoàn thành vào năm 2011). Đây là tuyến liên kết phát triển các trung tâm kinh tế đô thị Cà Mau, Năm Căn (đang chủ trương xây dựng thành khu kinh tế Năm Căn).
Trục giao thông Đông – Tây là tuyến đường Cái Đôi Vàm – Vàm Đình – Cái Nước – Đầm Dơi, ngoài ra từ huyện còn có tuyến đường Rau Dừa – Rạch Ráng (huyện Trần Văn Thời).
Như vậy huyện Cái Nước được kết nối với các huyện tiếp giáp bằng các tuyến đường quốc lộ, tuyến đường tỉnh là một thuận lợi cơ bản để giao lưu kinh tế xã hội, lan tỏa phát triển.
Các xã phía bắc của huyện, tiếp giáp với thành phố Cà Mau nên sẽ là vùng tiếp nhận sự lan tỏa các yếu tố phát triển từ thành phố Cà Mau khá nhanh, nhất là dọc theo tuyến Quốc lộ 1A từ cầu Lương Thế Trân đến Rau Dừa. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến những vấn đề phát sinh của những vùng ven đô, đây là những vùng có thể chịu tác động mạnh do sự phát triển tự phát nếu không được quản lý chặt chẽ về quy hoạch phát triển.
Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của tỉnh Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ở phía bắc của huyện Cái Nước có Khu công nghiệp Hòa Trung (nằm ở địa bàn xã Lương Thế Trân huyện Cái Nước và xã Lý Văn Lâm của thành phố Cà Mau) đã được thành lập và cho triển khai đầu tư giai đoạn I (quy mô toàn khu là 352 ha, giai đoạn I là 130,67 ha, trong đó thuộc địa bàn huyện Cái Nước là 136 ha, giai đoạn I là 58 ha). Đây là khu công nghiệp chế biến thủy sản tập trung, có sức thu hút đầu tư mạnh vì thuận lợi cả giao thông thủy và giao thông đường bộ), là điều kiện rất quan trọng để tăng trưởng và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.
Xem thêm: Bản Đồ Huyện Lộc Ninh Tỉnh Bình Phước
Source: https://nhaphodongnai.com
Category: Bản Đồ